Nổi tiếng với hạ tầng giao thông lấy xe đạp làm trung tâm và thuận lợi cho người đi bộ, Copenhagen (Đan Mạch) là một trong những thành phố hàng đầu thế giới về kiến trúc bền vững trên quy mô lớn, phần lớn nhờ vào việc khuyến khích các giải pháp xanh.
Thành phố này có hơn 370km làn đường dành cho xe đạp trong nội thị. Nhiều địa điểm chia sẻ hay cho thuê xe đạp trải rộng khắp thành phố khiến di chuyển bằng phương tiện này trở nên khả thi và an toàn.
Copenhagen đã loại bỏ hơn 1/3 tổng số phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch kể từ năm 2019, giảm khoảng 90.000 tấn khí thải nhà kính mỗi năm.
Bên cạnh đó, thành phố này cũng nỗ lực đáng kể để cải thiện tính bền vững trong lĩnh vực xây dựng. Copenhagen ban hành chính sách mái nhà xanh bắt buộc, yêu cầu tất cả các mái nhà xây dựng mới có độ dốc dưới 30 độ phải kết hợp đất và thảm thực vật vào quy hoạch kiến trúc.
Mái nhà xanh giúp làm mát tự nhiên, hấp thụ khí thải CO2. Hệ thống này quan trọng đối với mục tiêu trở thành trung hòa CO2 của Copenhagen vào năm 2025.
Hiện có hơn 25% diện tích thành phố là không gian xanh, hơn một nửa năng lượng đến từ các nguồn tái tạo, chủ yếu là điện gió, mặt trời và sinh khối.
Thành phố này có 2 dự án kiến trúc bền vững lớn và nổi tiếng gồm UN17 Village và UN City.
UN17 Village
Dự án này được Copenhagen đặt ra với tham vọng sẽ trở thành tòa nhà đầu tiên trên thế giới giải quyết tất cả 17 mục tiêu toàn cầu của Liên hợp quốc về năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng.
Dự án này được thiết kế bởi hãng kiến trúc Sweco và tập đoàn Lendager. UN17 Village bao gồm tổng cộng 5 tòa nhà và được thiết lập với quy mô hơn 1.100 cư dân. Ngoài ra còn có nhà hàng, phòng khám sức khỏe, khu vực chung…
Tính bền vững của dự án thể hiện ở việc thu gom, xử lý và tái sử dụng nước mưa, mái và tường xanh, cảnh quan đa dạng sinh học, các thiết bị tiết kiệm nước và năng lượng, sử dụng pin mặt trời,…
Nhà sáng lập tập đoàn Lendager cho biết tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng và ưu tiên năng lượng tái tạo rất quan trọng trước các vấn đề cấp thiết như biến đổi khí hậu.
UN City
Dự án UN City là ví dụ hoàn hảo cho kiến trúc bền vững tại Copenhagen, gồm 2 cơ sở và 11 cơ quan của Liên hợp quốc. Thiết kế của tòa nhà phần lớn dựa trên các mục tiêu phát triển bền vững của tổ chức này. Đặc biệt với 1.400 m2 pin mặt trời phủ trên mái nhà, cung cấp khoảng 30% điện năng cho tòa nhà.
UN City sử dụng hệ thống thu gom nước mưa để cung cấp các phòng vệ sinh, không gian xanh ngoài trời giúp giảm thiểu thất thoát nước mưa. Nước biển mát lạnh được bơm khắp hệ thống làm mát của tòa nhà, giúp điều chỉnh nhiệt độ bên trong.
Khoảng thông tầng trung tâm, cửa sổ lớn và mặt tiền thông minh giúp lấy ánh sáng ban ngày. Điều này giúp giảm sử dụng năng lượng và cải thiện sức khỏe tâm lý của người trong tòa nhà. UN City sử dụng điện ít hơn 55% so với các tòa nhà văn phòng có quy mô tương tự.