Nhà có diện tích gần 54 m2 thuộc khu dân cư đông đúc ở TPHCM, xung quanh là các nhà cao 3 – 4 tầng với mật độ dày đặc. Tuy nhiên, căn nhà vẫn đảm bảo được thông gió và có đủ ánh sáng tự nhiên cho các hoạt động diễn ra bên trong.
Ngôi nhà có kết cấu mặt trước nhọn dần lên phía trên. Tức là tầng 2 và tầng 3 có diện tích sử dụng nhỏ dần thay vì lấy tối đa như tầng 1. Cách thiết kế như vậy có thể giúp căn nhà lấy được nhiều ánh sáng và gió hơn, đồng thời tạo khoảng không cho cây xanh ở các ban công phát triển.
Ngoài vườn cây lớn được bố trí sau cổng chính, chủ nhà tận dụng mọi khoảng trống còn lại để trồng cây, với 2 vườn cây nhỏ ở mỗi ban công tầng 2 và 3 và một ở cầu thang xoắn hướng lên tầng 2 dưới giếng trời sau nhà.
Để lấy được nhiều ánh sáng tự nhiên hơn, chủ nhà để hai giếng trời, một ở giữa và một ở phía sau nhà.
Cửa đi ra ban công ở tầng 2 và 3 đều sử dụng kính để lấy tối đa ánh sáng cũng như tạo cảm giác không gian rộng hơn.
Giếng trời ở giữa chiếu thẳng xuống phần cầu thang nối đi các tầng và phân tách ngôi nhà thành hai không gian riêng biệt. Thiết kế thông tầng này giúp ngôi nhà có thể lưu thông khí ở tất cả không gian tại tầng 2 và 3.
Không khí giữa các tầng lưu thông càng hiệu quả khi chủ nhà phân bố các phòng ở tầng 2 và 3 so le nhau. Còn không gian học được bố trí ở trên cùng để tạo sự riêng tư nhất định.
Tầng 1 được thiết kế khá đặc biệt. Không gian sân trước và phòng khách không hề có cửa tách biệt. Hơn nữa, thay vì đổ bê tông toàn bộ mặt sàn, chủ nhân lại đặt từng khối riêng biệt theo các hình dạng khác nhau và trải sỏi xung quanh. Cách bố trí như vậy giúp các thành viên trong gia đình có thể cảm nhận và hòa mình vào thiên nhiên dễ dàng hơn.
Một góc thiết kế thông minh trong ngôi nhà chính là tủ sách. Do không gian chiều ngang hạn chế, chủ nhà thiết kế hai tủ sách chồng lên nhau lợi dụng chiều cao của ngôi nhà. Cầu thang vì thế cũng được bố trí để giúp mọi người có thể lấy được sách ở tủ trên cao một cách an toàn.