Các nhà quy hoạch đô thị cũng như giới kiến trúc sư tiếp tục đưa không gian xanh vào các tòa nhà mới mọc ở khắp thành phố. Họ kết hợp cây xanh vào không gian sống dưới mọi hình thức, như mái nhà xanh, vườn thẳng đứng xếp tầng hay những bức tường xanh tươi. Tất cả nhằm tạo ra một thành phố và một quốc gia đa dạng sinh học hơn.
Ban đầu, sáng kiến “Singapore xanh” chỉ nhằm mục đích tạo cho quốc đảo một vẻ ngoài khác biệt và quyến rũ, song đến nay, cách tiếp cận này được ca ngợi bởi khả năng giải quyết vấn đề nắng nóng, hỗ trợ quản lý nước bền vững và cải thiện đa dạng sinh học ở đô thị.
Công viên Bishan-Ang Mo Kio do Ramboll Studio Dreiseitl là một trong những công viên trung tâm nổi tiếng nhất Singapore. Là một phần của dự án nâng cấp công viên và nâng cao năng lực của kênh Kallang dọc theo rìa công viên, các công trình được thực hiện để biến nơi từng là kênh bê tông thành một dòng sông tự nhiên, tạo ra không gian mới cho cộng đồng tận hưởng cuộc sống.
“Dự án được thiết kế để tối đa hóa việc dẫn dòng nước chảy tự nhiên trên quốc đảo này, cũng như tạo cảm giác sở hữu qua nhiều thế hệ, như vậy mọi người sẽ muốn bảo vệ môi trường tự nhiên hơn”, Leonard Ng, giám đốc của Ramboll, cho hay.
Đây là một phần của chương trình ABC Waters, một sáng kiến dài hạn của Hội đồng tiện ích công cộng Singapore nhằm biến các thủy vực thành những không gian mới sôi động để gắn kết cộng đồng ngoài chức năng cấp thoát nước.
Ramboll cũng chịu trách nhiệm thực hiện một phần dự án Jurong Lake Gardens, vườn quốc gia đầu tiên ở khu vực trung tâm của Singapore. Jurong Lake Gardens rộng 53 ha được xây dựng nhằm khôi phục cảnh quan của đầm lầy và rừng rậm kết hợp với không gian cho hoạt động giải trí và cộng đồng.
Một dự án khác của Ramboll là Kampung Admiralty được xây dựng theo kiểu ruộng bậc thang với tầng tầng lớp lớp cây xanh. Với không gian xanh trải rộng ở nhiều cao độ khác nhau tạo ra một địa điểm lý tưởng để cộng đồng thư giãn và hòa mình vào thiên nhiên. Để tạo sự đa dạng sinh học, ngoài cây cảnh, Kampung Admiralty còn trồng các loại cây ăn quả và cây cho tán rộng, tạo bóng râm.
Một công trình xanh đáng chú ý khác ở Singapore là Ventus Naturalized Garden (tạm dịch: Vườn thiên nhiên Ventus) thuộc khuôn viên của Đại học Quốc gia Singapore. Kiến trúc này điển hình cho công nghệ cảnh quan thay thế, cho phép các loại cây tự phát mọc tự nhiên trên bãi cỏ với những can thiệp tối thiểu trong thiết kế. Ventus là sự kết hợp giữa công viên rừng và rừng thứ sinh, điều này để chứng tỏ một mảnh đất nhỏ cũng có thể chứa nhiều loại thực vật và trở thành một phần mạng lưới sinh thái của thành phố.
Giáo sư Thomas Schröpfer của Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore nhận định: “Singapore là một case study rất thú vị vì đây là nơi có mật độ kiến trúc xanh dày đặc. Khi càng phát triển, Singapore chỉ có thể phát triển theo chiều dọc, trở thành một thành phố thẳng đứng. Trong 10 năm qua, chính phủ nước này đã ban hành nhiều chính sách mới để khuyến khích kiến trúc xanh”.
Năm 2021, chính phủ Singapore phát động Kế hoạch Xanh 2030, một phong trào giúp mọi người có động lực để biến quốc đảo thành một thành phố phát triển bền vững trên toàn cầu. Một nội dung chính của Kế hoạch Xanh 2030 là dành thêm 50% diện tích đất (khoảng 200 ha) cho các công viên thiên nhiên với mục tiêu trồng thêm 1 triệu cây xanh trên cả nước để tăng hấp thụ CO2, giúp người dân được hưởng không khí trong sạch hơn và có nhiều bóng râm hơn.
Với tầm nhìn tạo ra một Thành phố Vườn và nâng cao đời sống chung của cộng đồng, Hội đồng Công viên Quốc gia Singapore đã dành nhiều thập kỷ nhằm ‘xanh hóa’ các con đường và cơ sở hạ tầng, biến các công viên và khu vườn thành không gian để chào đón mọi người đến tận hưởng, cũng như dành ra các khu vực đa dạng sinh học cốt lõi để bảo tồn đa dạng sinh học bản địa của Singapore. Khi Singapore hướng tới xanh hóa cả nước, những thiết kế thân thiện với thiên nhiên trở nên rất quan trọng để khôi phục môi trường sống cũng như đảm bảo rằng cộng đồng tham gia vào những nỗ lực phủ xanh quốc gia.
Hiện nay, Singapore là một trong những thành phố xanh nhất thế giới.
Với những thách thức như thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa, nhu cầu xây dựng một Singapore dễ sống, bền vững và thích ứng với khí hậu hơn ngày càng lớn. National Parks Board đã tổ chức hơn 3.500 chương trình giáo dục về không gian xanh để giúp cộng đồng có trải nghiệm gần gũi hơn với thiên nhiên và thúc đẩy sức khỏe tinh thần.
“Tại Hội đồng Công viên Quốc gia, chúng tôi có 5 chiến lược chính để biến Singapore thành Thành phố Thiên nhiên: bảo tồn và mở rộng thiên nhiên vốn có của Singapore; tăng diện tích thiên nhiên trong các khu vườn và công viên; phục hồi thiên nhiên ở cảnh quan đô thị; tăng cường kết nối giữa các không gian xanh của Singapore; phát triển dịch vụ chăm sóc thú y, quản lý động vật và động vật hoang dã hoàn hảo”, ông Damian Tang, giám đốc thiết kế của Hội đồng Công viên Quốc gia, nói.
Cho đến nay, gần một nửa diện tích đất của Singapore được bao phủ trong không gian xanh và công dân của nước này cũng bắt đầu hưởng lợi từ nỗ lực phủ xanh của chính phủ. Đặc biệt nhất là trong cao điểm của đại dịch Covid-19, không gian xanh hoạt động như lá phổi của cả nước, tạo điều kiện cho việc hô hấp cũng như tạo không gian tập thể dục cho người dân cải thiện sức khỏe.