Hơn 10 năm phát triển, Việt Nam mới có hơn 200 công trình xanh
Tại Hội thảo về giải pháp vật liệu xây dựng đáp ứng công trình xanh có kiến trúc bền vững diễn ra tại Hà Nội hôm nay (29/7), ông Nguyễn Công Thịnh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), cho biết, Việt Nam hiện chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí “phát thải ròng bằng 0”.
Theo ông Thịnh, hơn 10 năm phát triển, số lượng công trình xanh ở Việt Nam mới chỉ đạt hơn 200, tổng diện tích trên dưới 6 triệu m2 sàn xây dựng. Số công trình xanh ở Việt Nam còn quá ít so với tiềm năng, yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Đáng chú ý, các công trình xanh ở Việt Nam chủ yếu do khối tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài xây dựng. Công trình xanh xây dựng từ vốn ngân sách rất ít, triển khai chậm.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, điều này là thách thức lớn khi mà chỉ còn hơn 27 năm là đến đích cam kết tại COP26 về “phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.
Ông Thịnh cho biết, thị trường Việt Nam đã có nhiều sản phẩm, vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm, sử dụng một cách rộng rãi các sản phẩm, vật liệu này chủ yếu mới chỉ đến từ những nỗ lực của các doanh nghiệp sản xuất, phân phối sản phẩm, vật liệu xây dựng. Các hoạt động mang tính rộng rãi, toàn diện của nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn đang thiếu.
Năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định 102 về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Đến nay, sau gần 20 năm thực hiện, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả. Tuy vậy, nhìn chung, việc thực hiện còn nhiều hạn chế, thách thức.
Chẳng hạn như chúng ta chưa có quy định bắt buộc đối với các công trình xây dựng mới hoặc cải tạo phải đáp ứng tiêu chuẩn công trình xanh. Nhận thức và sự quan tâm của các đối tượng liên quan như chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị quản lý vận hành, người sử dụng công trình về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn chưa đầy đủ.
Ngoài ra là còn thiếu các quy định bắt buộc hoặc khuyến khích để đánh giá, chứng nhận, dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm, vật liệu xây dựng sử dụng trong công trình. Những ưu đãi cụ thể về tài chính cho các dự án sản xuất sản phẩm, vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường… khó tiếp cận.
Cần rõ ràng các tiêu chí
Tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, nêu quan điểm, nhu cầu xây dựng, sử dụng công trình của Việt Nam tăng mạnh vì tốc độ chuyển đổi, đô thị hóa nhanh.
Tuy nhiên, nhận thức của người dân, một số cơ quan quản lý về công trình xanh còn mơ hồ. Theo ông Hiệp, các đơn vị phát triển công trình xanh đến nay vẫn mang tính tự phát, lẻ tẻ, thiếu liên kết. Do đó, việc truyền thông mạnh mẽ để công trình xanh đi vào cuộc sống, phổ biến hơn là cần thiết.
Ông cho rằng các bộ ngành như Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ… cần nghiên cứu xây dựng được hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật về công trình xanh, tạo điều kiện cơ sở để phát triển phổ biến loại công trình này. Trong đó, cần rõ ràng được các tiêu chí, tiêu chuẩn về vật liệu xanh để xây dựng công trình xanh.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay đúng là hiện chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan Nhà nước về trình tự thủ tục đánh giá, chứng nhận sản phẩm, vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng. Quy bắt buộc về đánh giá, chứng nhận, dán nhãn sản phẩm, vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng cũng chưa có.
Bên cạnh đó, các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể cho từng sản phẩm, vật liệu xây dựng để đánh chứng nhận sản phẩm, vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng… cũng đang thiếu.
Theo ông Sinh, tới đây, ngành xây dựng sẽ phát triển rộng rãi vật liệu xây dựng, công trình xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, đô thị theo hướng xanh, phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mục tiêu trước mắt là đến 2030, ít nhất 25% khu đô thị mới áp dụng tiêu chí phát triển đô thị xanh, phát thải carbon thấp; việc đầu tư xây dựng, vận hành nhà chung cư giảm ít nhất 25% lượng khí thải nhà kính so với năm 2020; 100 công trình đầu tư mới, các công trình sửa chữa, cải tạo phải tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả.
Song song với đó, ngành xây dựng đề cao thúc đẩy sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, phát thải carbon thấp. Mục tiêu là đến 2030, 25% các vật liệu xây dựng chủ yếu sản xuất trong nước được chứng nhận sản phẩm xanh, còn đến năm 2050 thì ít nhất 50% khu đô thị mới và 10% tổng số đô thị đạt tiêu chí xanh, phát thải carbon thấp…
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng giám đốc Tập đoàn Eurowindow, nêu ý kiến, biến đổi khí hậu tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng cuộc sống của hàng triệu người dân.
Ông Hồng nhắc lại câu chuyện tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu – COP26, Chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết “đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”. Để đạt được mục tiêu này, trong ngành xây dựng, bên cạnh yếu tố thiết kế công trình thì việc sử dụng các giải pháp vật liệu xây dựng hiện đại, tiết kiệm năng lượng có vai trò lớn.